Bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác quanh năm nhưng cao điểm trẻ thường bị vào các tháng nóng và mưa nhiều. Bài viết dưới đây Hatato sẽ tổng hợp những thông tin cần thiết về bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
Nội Dung Chính
1. Nguyên nhân vào nguồn lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm. Bệnh do virus gây nên, cụ thể là Coxsackie virus A16 và Entero virus 71.
Con đường lây lan chủ yếu là qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi. Nguồn lây chính của bệnh là từ nước bọt, các nốt mụn nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch trong cộng đồng.
2. Triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi-rút vượt qua niêm mạc miệng hay ruột sẽ vào hệ thống hạch bạch huyết. Từ đó sẽ phát triển và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc. Các triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ em được chia ra 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 3-7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như trẻ bị sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Trẻ nhỏ có thể khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.
- Giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh
- Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Các triệu chứng điển hình trong giai đoạn phát của bệnh tay chân miệng ở trẻ bao gồm:
- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở trong miệng, lợi, lưỡi. Các vết loét gây đau miệng, khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt;
- Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày). Sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Bóng nước lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể lồi lên trên da và sờ có cảm giác cộm hoặc ẩn dưới da, ấn vào thường không đau.
Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trẻ mắc bệnh nhưng không có những dấu hiệu điển hình như trên. Nếu thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tay – chân – miệng, bạn nên đưa con đi khám, xét nghiệm máu giúp khẳng định chính xác bị bệnh do virut tay chân miệng (dương tính) hay không.
3. Dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng và trẻ cần được đưa tới bệnh viện
3.1 Quấy khóc liên tục kéo dài
Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 – 20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.
3.2 Sốt cao liên tục không hạ
Khi bệnh tay chân miệng ở trẻ trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48h và không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể dẫn đến nhiễm độc thần kinh.
3.3 Hay giật mình
Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.
Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.
4. Điều trị và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng như thế nào?
Vì bệnh do virut gây ra nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ và theo dõi diễn biến của bệnh là rất quan trọng. Trong trường hợp được chỉ định theo dõi tại nhà, cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.
Các bậc cha mẹ chăm sóc theo dõi trẻ cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đây là một số lưu ý cha mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng:
- Trẻ bị tay chân miệng thường rất biếng ăn do các vết loét trong miệng gây đau. Vì vậy nên cho trẻ ăn loãng và nguội. Các thức ăn mềm có thể lựa chọn cho trẻ bao gồm: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, tàu hủ… Với trẻ còn bú, cần tiếp tục cho bú sữa mẹ;
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách cho trẻ súc nước muối loãng.
- Vệ sinh đồ dùng sinh hoạt và đồ chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn để tránh lây lan trong gia đình.
- Không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ. Nếu trẻ có sốt thì dùng thuốc hạ sốt paracetamol, uống với liều 10 mg/kg/lần, mỗi 6 giờ. Lưu ý chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên.
- Tại các vị trí tổn thương ngoài da, có thể bôi các dung dịch sát khuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh bội nhiễm.
- Cho trẻ nhập viện khi sốt cao ≥ 39 độ C, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, yếu liệt chi, da nổi vân tím.
Những lưu ý đối với người chăm sóc trẻ:
- Người chăm sóc trẻ cũng cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Rửa sạch các vật dụng, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%
- Đeo khẩu trang khi hắt hơi hoặc ho. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, thường ít nhất là 7 ngày.
5. Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ
Hiện vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu để phòng bệnh. Vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ là giữ vệ sinh sạch sẽ và thực hiện ăn chín uống sôi. Ngoài ra cần biết rõ các triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ em đẻ có thể chăm sóc trẻ tốt hơn.
- Dạy trẻ thường xuyên rửa tay – chân bằng xà phòng dưới vòi nước. Trẻ cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi tiêu.
- Vật dụng, đồ chơi trẻ hay cầm nắm cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, phơi khô.
- Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn.
Việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ và theo dõi diễn biến của bệnh là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ có thể chăm sóc theo dõi trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên cần chú ý đến các triệu chứng đặc biệt để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.
>>> Mua hàng trên gian hàng Shoppe Hatato: https://shp.ee/pwudydd